Trong 1 bài viết mà tôi đọc được, có hơn phân nửa số người trên thế gian này đi tìm hạnh phúc. Chỉ có 1 số ít là hướng đến an bình nội tại, hay tiếng Anh gọi là inner peace. Tôi cũng không là 1 ngoại lệ. Những ngày 20 tuổi tôi thường hay tìm kiếm hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong tình yêu. Tôi đã nghĩ con người ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Cho tới khi A. bảo với tôi hạnh phúc thực chất đôi khi cũng chỉ là 1 trạng thái cảm xúc, như vui, buồn, hờn giận, ghen ghét hay khổ đau. Hạnh phúc vì lẽ đó có thể đến, rồi đi, rồi quay trở lại. Nhiều người có khi mơ hồ không phân biệt được giữa hạnh phúc và bình an nội tại.
HIỂU VỀ HẠNH PHÚC
Vậy thì hạnh phúc là gì? Theo 1 định nghĩa, hạnh phúc, như A. đã bảo với tôi, không gì khác hơn là cảm giác thỏa mãn trong bản thân mỗi người. Hạnh phúc có thể được nhìn nhận qua nhiều góc cạnh, như có thái độ tích cực với đời sống. Nếu xét sâu hơn, mỗi người sẽ có 1 định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Điểm chung là hạnh phúc có liên quan tới chất lượng đời sống. Nhiều người nhìn thấy hạnh phúc là 1 trải nghiệm thỏa mãn tạm thời, mà có thể làm mình muốn nhiều thêm nữa.
Hạnh phúc không phải là đích đến cuối cùng, mà có khi là 1 mốc ngắn trong cuộc đời. Như lúc ta cảm thấy hạnh phúc khi được yêu, khi có công việc tốt, gia đình êm ấm. Hạnh phúc có nhiều mức độ, nhiều sắc thái khác nhau. Nhưng hạnh phúc có khi vẫn không đem lại cho ta an bình nội tại, nhất là thứ hạnh phúc ngắn hạn. Hạnh phúc sẽ theo ta dài lâu khi ta tìm thấy an bình nội tại.
HIỂU VỀ BÌNH AN NỘI TẠI
Khác với hạnh phúc là cảm giác mãn nguyện có thể là do đạt được 1 điều gì đó, bình an là sự tĩnh lặng trong tâm đạt được khi ta buông bỏ các ham muốn. Bình an không gì khác hơn là chấp nhận cuộc sống như chính bản chất của nó. Nhiều người nghĩ vậy thì bình an làm cuộc sống vô vị quá. Sự thật thì bình an không vô vị, mà làm cuộc sống ta trầm tĩnh. Bình an làm ta tự nhiên cảm giác hạnh phúc và cảm thấy mình đang sống. Người có bình an nội tại là người tận hưởng mỗi phút giây của của hiện tại, để sống đời mình trọn vẹn nhất.
Người có bình an nội tại không suy nghĩ hay phân tích quá nhiều. Chúng ta thường hay nghĩ nhiều về quá khứ, dằn vặt và khổ tâm bởi những lỗi lầm của ngày hôm qua, những tổn thương mà người khác gây nên cho ta. Hay có khi ta lo nghĩ nhiều quá cho tương lai, ngày mai làm gì, ăn gì, mà bỏ qua hết những gì đang xảy ra trước mắt.
TRẢI NGHIỆM CỦA BẢN THÂN
Trở lại những năm tôi 20, tôi thường đối xử tệ với bản thân mình lắm. Tôi luôn tìm kiếm sự khẳng định, thỏa mãn từ bên ngoài mà bên trong lại tràn đầy sự chỉ trích, hà khắc và tiêu cực với bản thân mình. Tôi hiếm khi nào cảm thấy tôi đã làm đủ hay xứng đáng với 1 thành công nào đó. Có khi tôi còn không biết mình là ai giữa 1 mớ bòng bong của cảm giác tội lỗi, lo âu mà tôi tạo nên trong tâm trí của mình. Có lúc tôi cảm thấy mình sống mà hoàn toàn mất đi sợi dây kết nối với bản thân, cứ luôn tìm kiếm 1 cái gì đó, hay 1 người nào đó để làm mình cảm thấy hoàn chỉnh.
Mãi cho đến khi tôi có được hạnh phúc trong tình yêu, trong hôn nhân, tôi mới bắt đầu dành thời gian để lắng nghe bản thân mình, và kết nối nhiều hơn với bản thân mình. Mà bạn biết đó, như bất kỳ mối quan hệ nào, mối quan hệ mà chúng ta có với bản thân mình cũng cần thời gian, lòng vị tha, kiên nhẫn và sự gắn kết bền vững để xây dựng nên. Bạn cứ nghĩ chúng ta yêu và mong muốn được ở trong 1 mối quan hệ với người thương suốt đời, thì phải chăng chúng ta cũng nên có sự kết nối trọn đời đó với chính bản thân mình?
LÀM GÌ ĐỂ KẾT NỐI VỚI BẢN THÂN MÌNH?
1.Thăm hỏi bản thân thường xuyên.
Lần cuối cùng bạn tự hỏi mình “Mình đang cảm giác ra sao?” là khi nào. Bạn hãy thử hỏi thăm bản thân như cách mà bạn chân thành hỏi thăm một người bạn, người thân, có thể là lâu ngày không gặp. Như tôi sẽ hỏi mình “Nu à, mày đang cảm giác ra sao? Dạo này thế nào rồi? Có ổn không?” Dành hết sự tập trung và chú ý cho bản thân mình. Ghi nhận phản ứng của cơ thể khi đón nhận lời hỏi thăm đó. Hơi thở của bạn ra sao? Bạn có cảm giác gì nơi bụng, ngực hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể hay không.
2. Cảm nhận sự im lặng.
Chúng ta sống trong 1 thế giới đầy ắp những thông tin, âm thanh và tiếng ồn lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Khi bạn dành thời gian để cảm nhận sự im lặng, đó cũng là lúc bạn lắng nghe nhiều hơn tiếng lòng của mình. Mỗi buổi sáng hay tối, bạn hãy thử dành 5 phút, chỉ 5 phút thôi, ngồi lặng im, nếu muốn bạn có thể nhắm mắt và cảm nhận hiện tại. Đây không phải là thiền định, nên bạn không cần phải lo lắng về việc làm trống rỗng tâm trí của mình. Đơn giản là bạn chỉ ghi nhận các ý nghĩ hiện ra, rồi quay trở lại, lắng nghe hơi thở, sự im lặng, hay những âm thanh trong môi trường chung quanh.
3. Tập trung vào hơi thở.
Bạn có thể làm điều này ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào. Tập trung vào việc hít vào, thở ra. Cảm nhận bụng phình lên khi hít vào, rồi bụng xẹp xuống khi thở ra. Có khi không cần nhiều, chỉ vài phút thôi.
4. Viết tự do.
Dạo này tôi đọc và thực hành trang viết sớm mai, tiếng Anh gọi là morning pages. Hiểu đơn giản thì trang viết sớm mai là mỗi sáng khi thức dậy, tôi ngồi viết đúng 3 trang trước khi bắt đầu ngày mới. Tôi viết bằng bút và giấy. Tôi không nghĩ nhiều trong lúc viết, có gì thì viết nấy, không cầu kỳ trau chuốt. Ban đầu chỉ cần như vậy, viết để coi như xả ra hết những gì trong đầu. Không ai đọc những dòng viết này, mà bạn cũng không cần đọc lại ngay sau đó. Nếu không biết viết gì, thì tôi viết ngay chính cảm giác đó. “Hiện tại tôi đang không biết viết gì hết, tôi nên viết gì tiếp theo đây.”
Nếu bạn cảm thấy 3 trang dài quá, thì đặt cho mình thời gian 10 phút mỗi ngày. Chỉ 10 phút thôi, viết gì cũng được, chỉ cần đều đặn. Nếu xong 10 phút mà bạn vẫn muốn viết tiếp, thì chúc mừng bạn, dòng chảy cảm xúc trong bạn đang dần được khơi thông rồi đó. Viết tự do cho chính mình dễ mà có khi khó, vì đối diện trung thực với chính mình đòi hỏi sự can đảm nhiều lắm.
5. Quan sát các suy nghĩ của bản thân.
Tại sao tôi lại dùng chữ quan sát. Vì đó là điều mà chúng ta sẽ làm. Chỉ quan sát và ghi nhận các suy nghĩ của bản thân ta. Ghi nhận nhưng suy nghĩ sáng tạo, lạc quan, ghi nhận cả những nỗi sợ, suy nghĩ chỉ trích bản thân. Bạn hãy thử làm một người quan sát như kẻ đứng ngoài cuộc, chỉ quan sát xem những nỗi sợ, suy nghĩ tiêu cực này đến từ đâu. Chúng ta không phán xét, chỉ quan sát và ghi nhận.
6. Cử động cơ thể.
Không cần phải là những giờ thể dục toát mồ hôi vật vã để giảm cân, hay vì 1 tác động bên ngoài. Cử động cơ thể bạn như là cách bạn lựa chọn yêu lấy bản thân mình. Lắng nghe điều mà cơ thể bạn cần. Có thể là vài phút đi dạo, bật 1 bài nhạc lên và nhảy, đạp xe đạp quanh phố, hay làm vài động tác giãn cơ. Ghi nhận và chú ý sự thay đổi trong cơ thể, và tâm trí bạn lúc đó.
7. Mỉm cười và làm những gì khiến bạn thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Tôi hay bắt đầu ngày lúc đi đánh răng bằng việc nhìn mình trong gương và mỉm cười. Bạn có thể mỉm cười và thử khen mình trong gương 1 câu xem sao. Ban đầu có thể cảm thấy lạ lắm, có khi ngượng ngùng, có khi lại thấy những suy nghĩ chỉ trích ùa đến. Hãy cứ nói hết câu khen ngợi, và ghi nhận những suy nghĩ chỉ trích đó. Để chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao suy nghĩ đó lại xuất hiện. Còn lúc đó, ta chỉ mỉm cười với mình thôi.
Điều gì làm bạn thấy tim mình đập rộn rã?
Đồ ăn ngon?
Một quyển sách hay, một bức tranh màu nước bạn mới vẽ xong?
Điều gì làm bạn thấy nhẹ nhàng thư thái?
Nấu 1 bữa ăn ngon cho gia đình, đắp mặt nạ dưỡng da mát lạnh lên mặt.
Điều gì làm mình vui mà không có hại cho tinh thần hay thể chất thì tại sao mình không làm? Bạn có thể ghi xuống những gì khiến mình thấy yêu đời, để từ đó sắp xếp thời gian cho chúng trong quỹ thời gian của bạn. Có điều gì bạn có thể loại bỏ ra khỏi lịch công việc, cuộc sống dày đặc để kết nối thêm với mình, để làm mình thư thái hơn hay không? Có thể bạn nghĩ, thời gian đâu ra mà làm mấy cái chuyện này? Con người chúng ta cần đồ ăn để có năng lượng vật chất, và cũng cần năng lượng tinh thần để tiếp tục những gì mình muốn làm. Bạn cứ tưởng tượng mình là 1 cái xe, có bao giờ bạn muốn mình cứ chạy xe mãi mà không đổ xăng, thay nhớt, rửa xe hay bảo trì cho nó hay không? Tinh thần của bạn, cũng cần được như vậy đó.
Cuối cùng, cảm ơn bạn đã dành ra những phút giây để đọc bài viết này của tôi.
Hi vọng tôi và bạn đã cùng nhau bước thêm những bước đi nữa, trong hành trình tập yêu thương nhiều hơn bản thân mình.
Nu DOP