Đây là chùm bài viết ngắn của bản thân tôi trong nhiều năm qua về trải nghiệm và những trăn trở trong việc viết.
03/01/2021
2020 trôi qua cũng là 1 năm tôi sử dụng và gắn bó với bullet journal. Một trong những thói quen mà tôi tự hào là mình theo đuổi được tới giờ (bên cạnh vô số những thói quen còn dang dở). Năm nay, một thói quen mà tôi muốn bắt đầu làm đều đặn hơn là viết. Viết cho bản thân mình. Không cần màu mè câu nệ, không thật sự quan tâm có ai đọc.
Viết, đơn giản là con đường tìm về nội tâm của bản thân, để nhìn rõ và thấu hiểu những vấn đề mà tôi đang mắc phải là gì. Từ sự lo âu thường trực, những nỗi sợ hãi vô hình, hay cả một vài phút giây sân si, tự ti, cảm thấy bản thân mình thua kém những người xung quanh. Hay cả ganh tị với thành công của bạn bè.
Viết chỉ để viết, như tác giả của 1 podcast về sự viết – journaling đã nói: “Bạn viết cho bạn và không cho 1 ai khác. Viết mà không suy nghĩ tới lỗi chính tả vì cô giáo chính tả của bạn sẽ chẳng phải là người đọc.”
Vậy còn bạn, nếu bạn đọc được những dòng này, thì bạn viết vì điều gì?
SỐNG VÀ VIẾT (30/11/2009)
Lúc đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót”, phần sau sách có đăng phỏng vấn của dịch giả với Hiruki Murakami qua email. Những câu Hiruki Murakami nói về việc viết là những câu mình rất thích.
Tôi thích rượu vang Pháp. Nhưng chẳng ai bảo rằng vì vậy mà tôi chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Pháp. Tôi vẫn là một tiểu thuyết gia Nhật Bản, không gì khác. Tôi không nghĩ đấy là điều gì lạ lùng, sai lạc, kỳ quặc, trái khoáy, phi tự nhiên hay đáng thẹn. Một số nhà phê bình hay học giả phương Tây cứ có cái thói hễ văn chương châu Á thì cứ phải là đặc thù châu Á. Chẳng có lý do gì tôi phải thỏa mãn cái lối nhìn rập khuôn của họ. Cái mà tôi muốn mô tả trong tác phẩm của tôi là những con người. Tôi gọi họ là “những con người của tôi”. Có thể diễn dịch rằng ấy là “người Nhật” mà cũng có thể diễn dịch họ là con người nói chung.
Tôi không nghĩ mình là nhà văn hậu hiện đại, mặc dù nếu bạn gọi tôi bằng cái tên đó thì tôi không phản đối. Nói thật, người ta gọi tôi là gì tôi cũng chẳng quan tâm. Theo ý tôi, tôi chỉ là người kể chuyện. Một người kể chuyện khá cừ, chắc vậy. Tôi cho rằng trên thế giới có hai loại tiểu thuyết gia: tiểu thuyết gia đầy cảm hứng và tiểu thuyết gia thường. Bạn cũng đoán được rồi đó, tôi muốn mình là loại thứ nhất.
Tôi chẳng mấy quan tâm đến bất kỳ giải thưởng nào. Giải thưởng đích thực của tôi là độc giả, những độc giả đang mong chờ tác phẩm kế tiếp của tôi. Tôi rất trân trọng sự quan tâm và thủy chung của họ. Tôi đã nỗ lực suốt nhiều năm trời để nắm được tư tưởng họ, tâm hồn họ, và dường như tôi đã nắm được tư tưởng, tâm hồn độc giả, nhiều độc giả.
Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết[8]. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết.
Lúc đọc xong những phát biểu ấy của Hiruki, mình lại càng có niềm tin vào lựa chọn của mình cho việc viết. Đôi lúc mình cũng muốn nhiều người biết đến những gì mình viết hay nói thẳng thừng ra là có tiếng tăm 1 ít. Tuổi trẻ đầy ham muốn tự khẳng định mình và được người khác khẳng định. Những lúc như vậy, mình lao vào đọc, mình ngừng viết. Đọc để dừng suy nghĩ đó lại, để thấy đó không phải là những gì mình cần, để thấy mình chỉ là 1 con chim non mới ra ràng chứ không phải đại bàng. Ngừng viết để xác định lại mục tiêu của mình.
Bây giờ, mục tiêu viết của mình là để xả rác trong đầu. Mình đã từng nghĩ vì mình ko nói được nên mình chọn viết như 1 sự chia sẻ. Nhưng mình chia sẻ được bao nhiêu? Hay mình viết để bày tỏ? Bày tỏ như thế nào rồi? Còn kể chuyện thì chắc chắn là không. Cho nên gọi những điều mình viết ra là rác là thích hợp nhất.
Mỗi cuộc đời vốn dĩ đã là 1 cuốn tiểu thuyết sống. Với những chuyện có thật từ những người xung quanh không xa lạ, từ bản thân, mình có thể viết nên những câu chuyện giật gân đủ mùi vị. Tuy nhiên đây không phải là lúc mình làm điều đó. Vì mình còn quá trẻ.
Tốt nhất là hãy sống trước vậy.
NGHIỆP VIẾT & VIẾT CHO RIÊNG MÌNH (Tháng 04/2011)
Thỉnh thoảng tôi hay nghĩ về những người thích viết và có khả năng viết trong cuộc đời này. Tôi nghĩ con số của kiểu người ở trên rất nhiều. Nhưng không phải ai cũng thành nhà văn, không phải ai cũng ra sách, dù có khi họ viết còn hay hơn (ấy là theo cảm nhận của tôi) một số tác phẩm đã được in ra và đặt lên kệ. Tới đây tự dưng tôi nghĩ tới nhiều ngành nghề khác, như ca sĩ chẳng hạn. Có nhiều người có cả thanh lẫn sắc, thế mà vẫn lận đận lao đao nhiều năm, nếu có nổi tiếng cũng chỉ nằm ở dạng sao hạng trung.
Rốt cuộc là do đâu? Là do không đúng thời điểm. Chắc vậy.
Trước khi đọc “Suối nguồn”, nhiều lúc tôi cảm thấy thời điểm thật trái ngang cho những người làm nghệ thuật. Sau khi đọc “Suối nguồn”, tôi cảm thấy thật sự tất cả những điều đó không phải là thứ cốt lõi, quan trọng là người ta có nhận ra được điều cốt lõi như Roark hay không.
Tôi không được như Roark không cần ai nói, không cần đọc bất kỳ cuốn sách nào cũng có thể nhận ra. Tôi đã cần Ayn Rand làm cho tôi thông suốt về điều tôi đau đáu nhiều ngày, nhiều tháng. Và tôi thấy mình đủ đầy. Thấy mình có thể tiếp tục viết mạnh mẽ hơn bao giờ. Tiếp tục cái nghiệp viết của bản thân mà chẳng cần thắc mắc thêm điều gì nữa. Bởi chỉ cần viết thôi, hãy cứ viết đi, sẽ có câu trả lời.
-/-
Bạn bảo có 1 thời gian bạn không thấy tôi trong những bài viết.
Tôi biết bạn nói đúng, bởi có thời gian tôi không viết như chính mình. Tôi không viết theo cách của tôi. Cũng giống như có 1 thời gian tôi không làm radio theo phong cách của mình. Tôi vay mượn kiểu cách của người khác vì tôi thấy chúng hay. Chỉ có điều cũng giống như 1 bộ quần áo đẹp trên thân thể 1 người chưa chắc tới phiên tôi mặc nó sẽ còn đẹp như vậy. Và dẫu cho nó vẫn đẹp thì tôi cũng không còn là tôi nữa. Tôi là người khác mất rồi.
Giờ thì không như vậy nữa. Hay hay dở, tôi vẫn muốn viết như chính mình, và viết cho riêng mình. Không phải ai cũng có thể bản năng nhận ra điều đó như Roark Howard. Tôi không bản năng, tôi cần thời gian để nhận ra. Nhưng điều quan trọng là tôi đã nhận ra.
(còn tiếp tục cập nhật)
Nu DOP