“Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội, kể cả cơ hội để bỏ đi.”
“Chị ơi! Em phải làm sao đây? Khi mà em quen rất nhiều người.Nhưng chưa ai quá 2 tháng. Hình bóng mối tình đầu cứ lãng vãng trong lòng em…Thế nhưng khi không có ai bên cạnh em lại không chịu được…Em sợ đi một mình,em cần một bờ vai…Để rồi cứ vừa cảm ai đó, em lại liền xà vào vòng tay đó…”
Tối hôm qua tôi vào Facebook của mình để tìm lại một bài viết cũ, bất chợt đọc được bài viết này tôi viết cho 1 người em gái, một thính giả nghe radio của tôi và đã nhắn tin hỏi tôi về tình yêu hơn 5 năm về trước. Bài viết đó tôi viết tiếp thế này:
Cách đây vài ngày em hỏi em có nên bắt xe để đi gặp người đó hay không, vì em khó chịu quá. Tôi bảo nếu thật sự muốn bắt xe thì em cứ đi. Vậy là em bảo chị ơi tại sao chị lại không can ngăn em như những người khác vì ý tưởng điên rồ đó.
Tôi nói với em rằng, có 1 cái bánh ai cũng bảo là rất dở can ngăn đừng ăn, nhưng vì chưa ăn nên em lại càng muốn thử. Nên thôi thì cứ để em ăn, dở hay ngon cũng là 1 lần. Nếu nó dở tệ, thì hy vọng là sẽ không bao giờ em đụng đến nữa, và em sẽ hiểu thêm là mình cần chiếc bánh như thế nào để bản thân thấy ngon miệng. Chỉ cần em đừng làm gì huỷ hoại bản thân, thì cứ làm điều em đang khao khát, để không bao giờ phải nói “Giá như” về sau.
Sau đó, tôi cũng thường hay nhắn lại cho những cô gái của mình, rằng hãy để thời gian trôi, hãy thương lấy bản thân mình, và hãy để mọi chuyện diễn ra nhẹ nhàng. Sẽ rất khó, có lúc tưởng như không chịu nổi, nhưng rồi tất cả sẽ qua.
Những chông chÊnh, cảm giác níu kéo, cảm giác sợ phải đi một mình, bản thân tôi đều đã trải qua nên tôi muốn kể câu chuyện và trải nghiệm của mình, cho những cô gái và chàng trai của tôi về một hành trình mà có thể bạn sẽ phải đi qua. Để vượt qua nỗi sợ hãi, để chiến thắng chính bản thân mình khỏi cám dỗ của 1 thứ hạnh phúc tạm bợ.
HỌC YÊU BẢN THÂN MÌNH TỪ PHIM “CINDERELLA”
Năm 2015, bộ phim “Cinderella” – Chuyện nàng Lọ Lem được làm lại. Phiên bản phim năm đó có những chỗ khác cốt truyện quen thuộc làm tôi thích thú. Những chỗ khác chính trong phim nằm ở 3 điều mà tôi thấy đọng lại với mình sâu sắc, và muốn gửi tới những cô gái, cả những chàng trai, và tất cả những thính giả đang nghe podcast này của tôi, vì tôi biết có những anh chị và cả cô chú lớn tuổi hơn tôi đang nghe chương trình của mình:
1/ Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì mình càng phải tự yêu mình gấp bội.
Cốt truyện Lọ Lem trong phim cũng như truyện, Lọ Lem bị mẹ kế và 2 đứa em kế đối xử thậm tệ, nhưng mà nàng vẫn lạc quan yêu đời, sống đầy quả cảm và bác ái, tự yêu lấy mình, tự mang đến cho mình những niềm vui. Thế hệ của tôi hay thế hệ các em gen Z sau này bắt đầu được đón nhận những luồng tư tưởng mới về sự độc lập, tự chủ. Với tôi, bài học yêu lấy bản thân mình tôi học được là từ mẹ tôi.
Ba tôi ngày xưa là người có rất nhiều thói hư tật xấu. Ông ham mê cờ bạc, cá độ đá banh và thích uống rượu. Mỗi lần nhậu say về là ông chửi làng, chửi xóm, chửi cả mẹ và chị em chúng tôi. Lúc đó tôi có đôi lần hỏi mẹ. Tại sao mẹ không bỏ ba cho rồi? Sao mẹ không ly hôn với ba để chúng ta đều được giải thoát? Sau này tôi nghĩ có lẽ những suy nghĩ đó cũng đã lướt qua trong đầu mẹ tôi, cùng với những suy nghĩ của nếp sống truyền thống đi sâu vào văn hóa người Việt: Gia đình cần phải có đủ vợ chồng để con mình lớn lên có một nếp nhà bình thường.
Tôi nghĩ mẹ tôi cố gắng để cứu vãn mọi chuyện, phần nữa là vì bà vẫn còn yêu ba tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nhìn vào có vẻ mạnh mẽ, nhưng tiếp xúc nhiều mới biết bà là một người rất giàu tình cảm, theo kiểu hết mình với những người mà bà yêu thương. Thêm nữa là việc ly hôn ở thời điểm đó, hay tới tận bây giờ vẫn là một điều vẫn dễ bị người đời soi mói và đàm tiếu.
Cho tới lúc ba tôi thừa nhận với tôi, và mẹ rằng ông có người phụ nữ khác, thì bà mới chính thức buông tay.
Sau biến cố lớn lao đó, trở thành một người mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ tôi hay nói với tôi về việc cần phải độc lập, tự chủ, về cả mặt vật chất và tinh thần. Muốn yêu ai thì cũng phải yêu lấy mình trước tiên. Người ta vì lý do nào đó đã không còn yêu mình nữa, mà mình cũng buông xuôi không muốn lo cho mình thì còn trông chờ được vào ai?
2/Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội, kể cả cơ hội để bỏ đi.
Lọ Lem trong phiên bản phim làm lại này không gặp hoàng tử lần đầu tiên ở vũ hội rồi yêu nhau sét đánh chỉ trong 1 lần là dẫn đến đám cưới như trong truyện. Lọ Lem trong phim đến vũ hội là để gặp lại hoàng tử, sau khi đã biết (dù nhiều hay ít) về con người này trong một lần đầu tiên “chủ động” gặp gỡ khác. Tôi thích cách phim lột tả được sự chủ động của Lọ Lem. Tới vũ hội là vì muốn gặp lại người đó. Trước khi được bà tiên đỡ đầu giúp đỡ váy áo vẫn là tự tay mình chỉnh sửa lại chiếc đầm dạ hội của mẹ. Ngay cả việc không được thử giày cũng là một sự lựa chọn, chứ không phải là tình thế áp đặt.
Có bạn hỏi tôi: “Tại sao người đó/anh ấy không chọn mình?” Tôi nghĩ tình cảm, duyên phận không cưỡng cầu, nhưng không có nghĩa là bạn không có quyền lựa chọn. Mỗi người đều có quyền lựa chọn trong “kiêu hãnh”. Ngay cả bạn ở trong vị thế yêu đơn phương cũng vậy.
Tình cảm thì nhiều khi khó khống chế được, nhưng việc bạn giao hết toàn quyền “sinh sát” cho người khác, đem vui, buồn của người kia thành trung tâm cuộc sống của bản thân sẽ đem lại cảm giác rất khác khi bạn suy nghĩ và chấp nhận lựa chọn ở bên người đó trong một khoảng thời gian dài hay ngắn, dù có thể sẽ không được gì.
Vẫn là đi bên lề cuộc sống của người đó, nhưng đó là sự chủ động lựa chọn của bạn, chứ không phải bị động cuốn theo.
Chỉ là sau những trải nghiệm về tình yêu của bản thân thì tôi thấy việc chọn lựa đi bên lề cuộc sống của một người nào đó nó là một con dao hai lưỡi, thường sẽ làm bạn đau nhiều hơn là tận hưởng hương vị tình yêu được cắt tỉa ngọt ngào. Không phải vô cớ mà có 1 câu nói hơi thô nhưng thật về yêu đơn phương:
Yêu đơn phương cũng giống như việc ta tự tè vào chân mình vậy. Người khác bảo ta ngu, nhưng ta cảm thấy rất ấm áp, nhẹ nhõm.
Tình yêu lúc nào cũng có một phần của sự chiếm hữu, và mong mỏi có được nhiều hơn nữa là một mong mỏi rất bản năng của con người. Lúc tôi có tình cảm đơn phương với 1 người, vui thì tôi nghĩ là à miễn người ta vui là được. Nhưng lúc tôi buồn thì dằn vặt bản thân, tại sao mình làm nhiều điều cho người đó đến vậy mà người đó không đoái hoài gì? Bên cạnh đó là khi đưa cho người khác quyền sinh sát với bạn thì dần dần người đó sẽ coi bạn là hiển nhiên.
Mỗi lần người ấy bệnh bạn đều nấu cháo mang đến. Một, hai lần thì người ấy sẽ cảm động. 10 lần, 100 lần bạn làm như vậy, tới một lần người ấy bệnh và bạn vì lý do nào đó không thể nấu cháo nữa thì có khi sự hồi đáp mà bạn nhận được là: “Tại sao không mang cháo đến cho anh?” như một bổn phận mà bạn phải làm.
Bạn có thể trách người vô tình, nhưng đôi khi chúng ta chính là người đã tạo cơ hội cho sự vô tình đó phát triển, bởi vì chúng ta quá quan tâm và quá hết mình. Trở lại chuyện yêu đơn phương của bản thân, sống như vậy một thời gian tôi cảm thấy mệt mỏi. Dù trước đó bạn bè khuyên can nhưng tôi vẫn lao đầu vào, cho tới một ngày thì tôi như tỉnh mộng và lựa chọn bỏ đi. Chắc là tôi nhận ra việc tè vào chân như trong câu nói thì ấm áp, nhẹ nhõm lúc đầu đó, nhưng sau một thời gian thì mùi khai nồng sẽ bốc lên cùng với cảm giác khó chịu, và bạn chỉ muốn đi rửa chân ngay cho sạch sẽ.
3/Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có.
Trong những cảnh cuối của phim, Lọ Lem sau khi đồng ý với điều kiện trao đổi của mẹ kế đã rất nhẹ nhàng mỉm cười đặt những khoảnh khắc của mình với hoàng tử vào ngăn kéo ký ức. Không dày vò, không than trách, điềm nhiên chọn lựa và tiếp tục sống cuộc đời mình. Không phải là không yêu thương, không phải là không trân trọng, mà là vì yêu thương, vì trân trọng nên dù người ở đó hay không ở đó, thì vẫn thong thả, an nhiên. Đó hả chăng phải là cách tốt để đáp lại chân tình hay sao?
Tôi lại đọc ở đâu đó “Những điều tốt đẹp có khi lại đến vào lúc bạn ít kỳ vọng nhất.” Nên tôi hay nghĩ, kỳ vọng dành cho người khác, tốt nhất hãy hạn chế ở mức thấp nhất. Vì việc người khác cư xử ra sao là điều mà bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được.
Lời cuối cùng cho những nàng và cả chàng “Lọ Lem” của tôi. Đôi giày thuỷ tinh là để chúng ta vững vàng quả cảm tiến bước trong đời với tấm lòng nhân ái. Thêm một chút niềm tin vào những phép màu trong cuộc sống nữa, thì hoàng tử, dù có đến hay không, Lọ Lem vẫn có thể nhảy chân sáo từng bước hạnh phúc.
Còn thỏa hiệp với hạnh phúc tạm bợ, níu kéo những gì vốn dĩ đã không còn vẹn nguyên sẽ chỉ làm mình đau lòng hơn. Bởi vì cuộc đời này đẹp đẽ lắm nhưng cũng đầy rẫy phũ phàng, người đã đi sẽ chẳng mấy khi ngoái đầu nhìn lại. Còn chúng ta nếu cứ đứng ngẩn ngơ ôm ấp quá khứ thì sẽ chẳng thể nào tiến lên. Trừ phi ta muốn nhìn mình cũ kỹ, trừ phi ta muốn thấy mình hoài mãi trong miên viễn đau thương, thì hãy nên thương mình.
Thương mình, như tình yêu mà mình đã hay đang dành cho một người đã từng là xa lạ, hay đã từng rất thân quen.
Nu DOP
Viết lại 29/10/2021, từ hai bài viết cũ năm 2015.
LAN TỎA VÀ ỦNG HỘ NU DOP RADIO
Nu DOP Radio cũng có mặt trên Youtube, Soundcloud, Google Podcasts, Spotify, Apple Podcasts hay Anchor. Bạn có thể mở các app/ứng dụng này và gõ “Nu DOP Radio” để tìm nghe .
*Bạn thích bài viết và số radio này của Nu?
Bạn có thể giúp sự phát triển của Nu DOP Radio bằng cách để lại comment/lời bình, chia sẻ bài viết và radio trên các trang mạng xã hội. Bạn cũng có thể đóng góp ủng hộ Nu DOP Radio. Cảm ơn sự ghé thăm và đồng hành của bạn!