Podcast của bài viết này:
LỜI MỞ ĐẦU
Năm 2020, mình ghi vào bullet journal, tạm dịch là sổ tay ghi chép ý chính, là mình sẽ đọc 25 cuốn sách. Tới giữa năm 2020 thì mình điều chỉnh lại còn 15 cuốn. Kết quả? Mình đọc được 10 cuốn (có chọn lọc) trọn vẹn! Bên cạnh đó là vô số truyện ngôn tình giải trí khác mà mình không tính đến.
Việc mình đọc chỉ 10 cuốn sách trong năm 2020 làm mình thức tỉnh, khi mình nhận ra mình đã tiêu tốn thời gian quá nhiều cho mạng xã hội, nhất là khi vì đại dịch phần lớn thời gian của mình đều ở nhà.
Đầu năm 2021, mình để mục tiêu là mình sẽ đọc 15 cuốn sách. Kết thúc tháng 1, mình đọc trọn vẹn 8 cuốn. Tới gần hết tháng 2 năm 2021 mình đọc được 15 cuốn sách cho mục tiêu đề ra. Và mình tiếp tục nâng mục tiêu của mình lên. Tới tháng Mười này, mình đọc hoàn chỉnh 31 cuốn sách cho mục tiêu 40 cuốn cho năm nay!
Trong số những cuốn sách mình đọc, có 1 cuốn về Tối giản điện tử (Digital minimalism) của Cal Newport:
Disclosure: Link mua sách là affiliate link. Nếu bạn mua sách qua link này, Nu DOP Radio sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để tiếp tục phát triển. Cảm ơn sự ủng hộ của bạn!
Cuốn sách phân tích sâu hơn vì sao mình, hay hàng triệu (có khi là hàng tỉ) người bị cuốn vào vòng xoáy mạng xã hội, liên tục xem Facebook, Instagram, Tiktok hay Youtube v.v…. trong vô thức. Với mình thì mạng xã hội ảnh hưởng nhiều nhất chắc là Facebook, sau đó là Youtube và Reddit. Instagram cá nhân riêng tư mình chỉ theo dõi mấy người thân quen. Còn Tiktok hay Snapchat hay Twitter thì mình hầu như không xài.
Sau khi đọc xong sách, mình muốn thử nghiệm xem cái vòng xoáy mạng xã hội ấy ảnh hưởng tới mình như thế nào, nên mình quyết định xóa app Facebook trên điện thoại và bỏ Facebook một thời gian.
Sau khi xóa app Facebook trên điện thoại, mình nhận ra mình có quá chừng thời gian (nếu mình không bận làm việc hay suy nghĩ về 1 dự án cá nhân nào đó) để đọc. Mình nhận ra 1-2 ngày đầu sau khi xóa app, tay mình cứ theo quán tính đọc được vài phút là lại thoát ra khỏi app đọc sách và tìm cách vào Facebook. Có khi mình làm điều đó tới cả chục lần (hay hơn) trong vòng 1 tiếng đồng hồ .
NHỮNG MẶT TRÁI VÀ LÝ DO TẠI SAO CHÚNG TA NGHIỆN MẠNG XÃ HỘI
Trong sách, Cal Newport đề cập đến cách Facebook hay các mạng xã hội dựa vào tâm lý hành vi mà “thao túng” người dùng, bằng cách đưa ra các “phần thưởng ngẫu nhiên”, theo kiểu bạn cứ lướt app cho tới khi bạn đọc được 1 cái gì đó mà bạn tâm đắc. Đó là phần thưởng truyền tới não bộ của bạn để sản sinh ra dopamine, hormone “hạnh phúc” làm bạn cảm giác vui vẻ, sảng khoái, và muốn tìm kiếm lại cảm giác đó. Nên bạn lại tiếp tục lướt app, lướt web, coi Youtube, vì đây là những hoạt động không dùng não nhiều (theo cách nói đơn giản của mình), mà lại có phần thưởng dễ dàng. Cảm giác nghiện sinh ra cũng là từ đó.
Các nhà khoa học khi nghiên cứu đã cho thấy điểm tương đồng của việc nghiện mạng xã hội với việc nghiện các chất kích thích khác. Người nghiện cũng sẽ có sự thay đổi tâm trạng, các triệu chứng vật và vì thiếu thuốc, hay trong trường hợp mạng xã hội là cảm giác bứt rứt khó chịu khi không còn được sử dụng, hay phải hạn chế sử dụng mạng xã hội. Việc tái nghiện mạng xã hội cũng rất hay xảy ra, khi chúng ta sau một thời gian không đụng đến lại quay trở lại và dùng mạng xã hội liên tục.
Khi sử dụng mạng xã hội, cảm giác tự ti, thua kém, cảm giác ghen tị, lo lắng mình đều trải qua. Mình hay có những cảm giác đó hi nhìn thấy một bức ảnh hoành tráng hay một bài viết về sự thành công của 1 cá nhân nào đó.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng tiêu cực của mạng xã hội lên sức khỏe tinh thần của chúng ta. Con người hình như càng có thể dễ dàng kết nối với nhau thì lại càng xa rời nhau hơn.
Điển hình như rạng sáng ngày 05/10 ở VN báo chí đang xôn xao về việc Facebook, Instagram và Whatsapp hoàn toàn bị tê liệt. Ngay cả ứng dụng Messenger cũng không gửi đi tin nhắn được. Và mình đã hốt hoảng.
Mình đã cuống cuồng xem thử có phải thật sự internet nhà mình có vấn đề hay là điều gì khác đang xảy ra. Trong 1 khoảnh khắc mình thật sự có cảm giác như mình đã mất đi rất nhiều các mối liên hệ trong đời. Đó là ưu điểm (mà thường hay dùng để lôi kéo người dùng) của mạng xã hội mà mình không thể phủ nhận. Mạng xã hội giúp mình kết nối với nhiều người. Mạng xã hội cung cấp những thông tin nhanh về tất cả các chủ đề trên trời dưới đất. Nhưng không vì vậy mà mình lại phớt lờ đi những mặt trái của mạng xã hội.
Có 1 lần trên đường lái xe đi chợ, mình bật 1 podcast nói về về Tiktok và công ty chuyên về AI (trí thông minh nhân tạo). Công ty đứng đằng sau này đã dùng Tiktok để “bóp méo” hiện thực sống theo một chiều hướng vui vẻ, hạnh phúc có chọn lọc, làm người dùng chìm đắm trong đó. Podcast kết thúc với 1 câu hỏi:
Sẽ như thế nào nếu hiện thực bị “bóp méo” hay chỉnh sửa trên mạng xã hội dần dần trở thành hiện thực mà chúng ta muốn tin vào và quên đi thực tại cuộc sống của bản thân mình?
Với riêng mình, thì mình vẫn muốn sống cuộc đời trần trụi của mình, dù nó đầy khiếm khuyết và sai lầm. Nên mình hi vọng mình đủ tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy đó mỗi lúc một sâu.
CÁC GỢI Ý ĐỂ SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI TỈNH TÁO*
Mình biết, nhìn nhận ra các mảng tối hay hi vọng cho 1 sự thay đổi tự nhiện không thì chưa đủ mà mình cần phải hành động.
Chúng ta biết về vòng xoáy mạng xã hội đó, vậy thì chúng ta cần phải làm gì để không bị cuốn trôi hay thao túng bởi những công ty, tập đoàn lớn đầu tư hàng trăm triệu đô hay hơn nữa, với đội ngũ nhân lực hung hậu để thao túng hành vi của bạn? Có lúc mình cảm giác mình như 1 con cá nhỏ đầy mâu thuẫn đang cố bơi ngược xoáy nước khi nói về chủ đề này và hi vọng nó được lan tỏa trên mạng xã hội. Cắt đứt mạng xã hội hoàn toàn trong thời đại này là điều khó mà thực hiên được. Tuy nhiên, mình vẫn hy vọng những gợi ý dưới đây mà mình đã tìm hiểu được và áp dụng sẽ giúp bạn và mình là 1 người dùng mạng xạ hội tỉnh táo hơn.
- ĐỂ TÂM KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI
Nghe tới đây có lẽ bạn sẽ nghĩ, mình phải để tâm thì mới sử dụng chứ? Để tâm ở đây mình dịch từ cụm từ intentional của tiếng Anh, là có chủ ý hay chủ đích. Thay vì chúng ta vào Facebook, lên Youtube để xem có gì hay không, rồi cứ lướt xuống dưới xuống dưới, thì mình phát hiện ra thời gian mình sử dụng mạng xã hội trở nên có ích, hay mình cảm giác đỡ thấy tội lỗi vì lãng phí thời gian khi mình chú tâm và có ý định trước là mình vào mạng xã hội để làm gì.
Mình có thể đề ra mục tiêu của mình: vào Facebook 10 phút là lên nhóm chuyên môn để đọc tin tức, hay vào Youtube để coi các video học ngoại ngữ hoặc làm vườn. Bên cạnh đó, trước khi mở xem 1 bài viết, 1 video, hay tham gia 1 nhóm online nào đó, mình tập thói quen đặt ra cho mình 3 câu hỏi, như việc phải đi qua 3 lớp cửa để tiến vào nơi mình cần đến:
Câu hỏi 1: Bài viết, video hay nhóm này có phản ánh sự thật không?
Câu hỏi 2: Có cần thiết cho mình không?
Câu hỏi 3: Và nó sẽ có làm cho đời sống mình tốt đẹp hơn không?
Việc dừng lại có khi chỉ vài giây để thật sự để tâm vào việc dùng mạng xã hội đem lại cho mình cảm giác chủ động hơn khi sử dụng, cũng như giúp mình đánh giá những thông tin nào trên mạng xã hội thực sự phù hợp cho đời sống của mình.
2. SỐNG CHO HIỆN TẠI
Từ ngày có Facebook, Instagram hay mạng xã hội, không phải chỉ nhìn thấy ở người khác, mà ngay cả mình đôi khi cũng sa đà vào việc chụp ảnh đẹp, chỉnh sửa thật lung linh để đăng lên mạng xã hội, mong nhận được những cái like, hay sự yêu thích của người xung quanh. Chưa có thời đại nào mà nhiều khi mọi ngóc ngách riêng tư của con người đều có thể được phơi bày qua những video, tấm ảnh trên mạng xã hội.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí tâm lý xã hội học bởi Tamira và công sự báo cáo là việc sử dụng có thể thay đổi hay giảm đi những ký ức trong đời sống thật của chúng ta. Với mình, điều này thể hiện rõ trong việc nếu mình chú tâm nhiều quá vào việc chụp hình lá vàng mùa thu, có đôi khi mình sẽ không thật sự chú tâm vào việc nhìn ngắm từng chiếc lá phủ rợp một góc trời công viên, trong một ngày trời đầy nắng. Vậy nên mình chụp hình và lưu giữ lại cảnh mùa thu đẹp đẽ, nhưng cũng tự nhắc nhở mình dành thời gian để thật sự khắc ghi cảnh vật ấy, tâm trạng của mình lúc ấy, vào trong trí nhớ.
3. LIÊN KẾT THAY VÌ SO SÁNH
Có 1 câu nói ở trong tiếng Anh là: Comparison is the thief of joy. Sự so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui. So sánh bản thân mình với người khác có thể khiến chúng ta có những cảm giác tiêu cực về lâu dài. Nhưng việc chân thành học hỏi, kết nối với người khác lại có thể nâng cao sức khỏe tinh thần nói chung cho chúng ta.
Điều này là 1 bài học mình nhận ra cực kỳ quan trọng, nhất là với 1 người hay lo âu và vẫn có những sự tự ti nhất định như bản thân mình. Khi cảm giác ghen tị trỗi dậy lúc mình xem 1 hình ảnh, bài viết, hay video nào đó thì mình ghi nhận cảm giác đó, và tự đặt câu hỏi để tìm ra nguyên nhân vì sao mình lại như vậy. Mình cũng đặt câu hỏi “Thay vì so sánh hay ghen tị thì có điều gì ở video hay bài viết đó mà mình có thể học hỏi, liên kết áp dụng được không?”
Việc tự hỏi bản thân như vậy giúp cho sự thay đổi suy nghĩ diễn ra trong não bộ, giúp mình có thời gian bình tĩnh lại, và nhìn ở 1 góc độ khác để nhận ra những gì mình có thể rút ra bài học, kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân từng ngày.
4. THEO DÕI NHỮNG NGƯỜI VÀ NHỮNG ĐIỀU MANG LẠI NIỀM VUI THÍCH CHO BẠN
Có 1 lúc mình đã rất cực đoan, theo kiểu mình hoàn toàn không muốn dính líu gì tới mạng xã hội. Mình còn mơ về cuộc sống off-the-grid giữa thiên nhiên hoang vu, nơi mà có khi còn không có được 1 con đường bằng phẳng và hoàn toàn không được ghi nhận trên bản đồ.
Tuy nhiên khi bình tâm lại thì mình nhận ra mình vẫn có thể giữ cho cán cân giữa đời sống thực và mạng xã hội của mình thăng bằng, thông qua việc theo dõi có chọn lọc và chủ đích xác định thời lượng sử dụng mạng xã hội. Như mình thích nấu ăn, làm vườn, đọc sách, thì mình sẽ lựa chọn những người hay chủ đề có liên quan tới sở thích. Hay như chồng mình thích tìm hiểu về café, xe cộ, sửa chữa đồ trong nha, thì anh sẽ theo dõi về những điều này chẳng hạn.
5. MẠNG LÀ ẢO, ĐỜI SỐNG MỚI LÀ THẬT
Như câu chuyện của bản thân mình đã chia sẻ ở trên. Nếu 1 lúc nào đó bạn cảm thấy mạng xã hội gây ra sự căng thẳng muộn phiền cho bạn, thì hãy thử giới hạn chúng, và dành thời gian cho những người xung quanh, những điều diễn ra trong cuộc sống của bạn nhiều hơn.
6. HẠN CHẾ SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI TRƯỚC KHI NGỦ VÀ NGAY KHI VỪA THỨC DẬY.
Thói quen này mình cũng mắc phải và đang cố gắng khắc phục. Có khi chưa rời khỏi giường hay ngay cả khi tắt đèn rồi mình cũng sẽ vơ lấy điện thoại kiểm tra email, hay xem tin tức trong ngày. Điều này có khi sẽ không phải là điều tốt để bắt đầu ngày mới hay khép lại ngày cũ cho chúng ta, vì chúng ta sẽ không biết chính xác mình sẽ tìm thấy những gì.
Một buổi sáng thức dậy mình đọc tin tức và thấy 1 vụ xả súng ở Mỹ, hay leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine, là tự dưng cảm giác không dễ chịu cũng ùa tới. Mình nói điều này không có nghĩa là chúng ta phớt lờ hay thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh. Chúng ta vẫn có thể vào mạng xã hội, nhưng trước khi làm điều đó, mỗi buổi sáng thức dậy mình có thể ra khỏi giường, làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, thiền định, thư giãn hay ăn sáng, viết trang chữ sớm mai, v.v., trước khi dành thời gian để cập nhật tin tức hay kiểm tra email.
Hi vọng qua những câu chuyện, những chia sẻ, và những điều mình đã học được trong bài viết “Vòng xoáy xã hội, làm thế nào để không bị cuốn trôi?” này có thể giúp bạn phần nào trong hành trình là 1 người sử dụng mạng xã hội tỉnh táo.
Nu DOP
04.10.2021
* Bài viết có tham khảo từ bài viết gốc của MindHandHeart.
LAN TỎA VÀ ỦNG HỘ NU DOP RADIO
Nu DOP Radio cũng có mặt trên Youtube, Soundcloud, Google Podcasts, Spotify, Apple Podcasts hay Anchor. Bạn có thể mở các app/ứng dụng này và gõ “Nu DOP Radio” để tìm nghe .
*Bạn thích bài viết và số radio này của Nu?
Bạn có thể giúp sự phát triển của Nu DOP Radio bằng cách để lại comment/lời bình, chia sẻ bài viết và radio trên các trang mạng xã hội. Bạn cũng có thể đóng góp ủng hộ Nu DOP Radio. Cảm ơn sự ghé thăm và đồng hành của bạn!